Dị vật  đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ, người thiểu năng trí tuệ hay người có mắc bệnh lý tâm thần. Dị vật mũi ở trẻ nhỏ là gặp nhiều nhất và có thể gây ra nhiều biến chứng nặng.

  1. Làm thế nào để phát hiện trẻ mắc dị vật mũi?
  • Người chăm sóc trẻ chứng kiến thời điểm trẻ nhét dị vật vào mũi, trẻ lớn có thể thông báo với bố mẹ ông bà về việc có vật lạ trong hoặc trẻ đang chơi có thể khóc, đưa tay vào mũi cố lấy vật trong mũi.
  • Quan sát mũi trẻ thấy dị vật có thể nằm ở ngay ngoài cửa mũi hoặc sâu hơn.
  • Nếu phát hiện muộn có thể có một số biểu hiện sau:
    • Chảy máu mũi tái phát liên tục 1 bên
    • Chảy nước mũi liên tục kèm mùi hôi 1 bên mà điều trị nhiều đợt không đỡ
    • Trẻ thở phì phò, ngạt mũi 1 bên.
  1. Dị vật mũi có nguy hiểm hay không?
  • Dị vật mũi nếu phát hiện sớm mà lấy kịp thời thì thường không gây triệu chứng nguy hiểm và không gây biến chứng.
  • Phát hiện muộn thì có thể gây ra tình trạng viêm mũi xoang tái đi tái lại nhiều lần, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
  • Một số loại dị vật có tính oxy hóa cao gây tình trạng viêm loét, thủng vách ngăn mũi, ảnh hưởng tới chức năng hô hấp của trẻ nếu không phát hiện kịp thời
  • Đặc biệt nhất, dị vật mũi có thể bị hít xuống đường hô hấp dưới gây ra trình trạng cấp cứu có thể ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ.
  1. Xử trí khi trẻ mắc dị vật mũi?
  • Ngay khi phát hiện trẻ có dị vật mũi ngay ngoài cửa mũi, bố mẹ tránh quát mắng trẻ làm trẻ quấy khóc, làm dị vật mắc vào sâu hơn hốc mũi. Bố mẹ nên nhẹ nhàng và lấy dị vật ra nếu có khả năng.
  • Khi phát hiện trẻ có dị vật ở sâu bên trong, không cố gắng bơm rửa hay bắt trẻ nhỏ hít sâu, xì mạnh vì dị vật có thể chui xuống đường hô hấp dưới gây khó thở. Hãy mang trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
  • Khi phát hiện hoặc có dấu hiệu nghi ngờ trẻ mắc dị vật tại mũi, bố mẹ nên cho con đến phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng gần nhất để được nội soi và gắp dị vật kịp thời nếu có.
  1. Làm thế nào để phòng tránh trẻ bị dị vật mũi?

Trẻ nhỏ tầm tuổi 2 – 5 rất hay bị dị vật ở mũi, là những loại thức ăn, hạt, đồ chơi, sỏi đá, giấy ăn,… kích thước nhỏ. Vì thế, cha mẹ nên chủ động phòng ngừa dị vật trong mũi trẻ bằng những cách sau:

  • Tránh các loại đồ chơi viên nhỏ cho trẻ còn quá nhỏ, trẻ dễ tò mò đưa lên miệng hoặc mũi để nuốt hay hít vào.
  • Hướng dẫn trẻ không nên đưa đồ chơi hay những vật dụng nhỏ lên miệng, mũi.
  • Tránh xa tầm tay của trẻ những vật dụng có thể gây dị vật ở mũi nguy hiểm.
  • Tránh để trẻ nhỏ chơi một mình mà không có sự giám sát của người lớn.

Case lâm sàng dị vật trẻ em tại Bệnh viện Trường Đại học KTYT Hải Dương:

Bệnh nhi, 2 tuổi, bố mẹ phát hiện trẻ nhét dị vật là cúc áo vào trong hốc mũi. Ngay sau khi phát hiện ra thì trẻ đã hít mạnh và dị vật chui sâu vào trong hốc mũi. Trẻ được đưa tới bệnh viện Trường Đại học KTYT Hải Dương trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, thở tốt.

+ Bác sĩ khoa Tai Mũi Họng đã tiến hành trấn an tinh thần cho gia đình và trẻ, giải thích về thủ thuật và đặt thuốc vào hốc mũi giúp mũi thông thoáng, tránh làm đau trẻ.

+ Ngay sau đó đã tiến hành nội soi găp dị vật và lấy ra là 1 cúc áo nhỏ màu trắng, kích thước khoảng 1cm. Kiểm tra lại hốc mũi thông thoáng, không chảy máu và hết dị vật. Kết thúc thủ thuật an toàn.

Trường hợp này nếu trẻ quấy khóc dị vật có thể tụt xuống đường hô hấp dưới gây tình trạng khó thở cấp cứu.

Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Đại học KTYT Hải Dương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *