Viêm gan là một bệnh lý rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Những nguyên nhân gây viêm gan hay gặp nhất là do virus, rượu bia và gan nhiễm mỡ. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như do thuốc, độc chất, tắc mật mạn tính, bất thường chuyển hóa, viêm gan mạn tính tự miễn… Viêm gan nếu không được phát hiện sớm, quản lý, điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến suy gan, xơ hóa gan, xơ gan và cuối cùng là ung thư gan, tử vong.

  • Trên bệnh nhân bị virus viêm gan đã điều trị khỏi nhiều năm vẫn có nguy cơ ung thư gan. Nguy cơ xuất hiện ung thư gan ở các mức độ xơ hóa gan nền cụ thể là: F0-F1 là 0%, ở F3 là 2,4 % và F4 là 7,7%; như vậy nếu bệnh nhân đạt mức điều trị viêm gan siêu vi về âm tính nhưng khi nhu mô gan nền ở F3, F4 thì vẫn có nguy cơ ung thư gan. Một nghiên cứu khác cho thấy với bệnh nhân đạt mức điều trị viêm gan siêu vi âm tính nhưng vẫn có nguy cơ ung thư 1,8% so với bệnh nhân không đạt mức điều trị siêu vi về âm tính. Vì vậy việc xác định mức độ xơ hóa gan nền rất quan trọng.
  • Trong số bệnh nhân có gan nhiễm mỡ có khoảng 25% bệnh nhân tiến triển tới viêm gan mỡ, sau đó là diễn tiến tới xơ hóa gan -> xơ gan -> ung thư gan. Để nhận diện được viêm gan mỡ thì cần làm các xét nghiệm chức năng gan và đánh giá độ xơ hóa gan dựa vào siêu âm đàn hồi mô vì siêu âm thường quy rất khó phát hiện được xơ hóa gan trên nền gan nhiễm mỡ.

Mức độ xơ hóa gan nền là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc quyết định điều trị, theo dõi diễn biến và tiên lượng. Theo WHO (2018) khuyến cáo trước khi điều trị cho một bệnh nhân viêm gan cần phải xác định được độ xơ hóa gan. Việc chẩn đoán mức độ xơ hóa gan giúp cho: quyết định điều trị; tiên lượng; theo dõi hiệu quả điều trị; hạn chế sinh thiết gan; phát hiện sớm HCC góp phần chẩn đoán phân biệt khối U gan. Tuy nhiên, thực tế có những trường hợp xơ gan thực sự nặng nhưng trên siêu âm thường quy không phát hiện ra, đây cũng là vấn đề mà từ khi siêu âm đàn hồi mô ra đời và ngày càng được cải tiến đã khắc phục được điều đó.

Các phương pháp đánh giá xơ hóa gan và xơ gan:

  • Sinh thiết gan: là xét nghiệm xâm lấn, có nhiều nguy cơ biến chứng.
  • Xét nghiệm máu: độ nhạy và đặc hiệu không cao.
  • Siêu âm thường quy, CT, MRI thường quy chỉ có giá trị với các tổn thương đã rõ.
  • MRI đàn hồi mô gan giá trị tương đương sinh thiết nhưng ít cơ sở khám chữa bệnh được trang bị và có giá thành cao.

SA đàn hồi mô gan định lượng: độ chính xác cao, không xâm lấn, không đau, cho kết quả nhanh chóng. Từ năm 2013 siêu âm đàn hồi mô đã được cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc Hoa Kỳ (FDA) thông qua như là một phương pháp thay thế sinh thiết gan.

Kỹ thuật siêu âm đàn hồi mô 2D Shear Wave trên máy siêu âm Logic -4D- P7 của hãng GE hiện đang được các bác sĩ của khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương thực hiện hàng ngày là một kỹ thuật siêu âm hiện đại nhất hiện nay, cũng dựa trên kỹ thuật ARFI, cho độ tin cậy cao, không xâm lấn. Ngoài những ưu điểm như kỹ thuật Point – Shear Wave Elastography, kỹ thuật 2D- Shear Wave Elastography lấy thông số của một vùng trong một lần đo, mức độ chính xác cao hơn, số lần lấy mẫu giảm xuống (5 lần so với 10 lần của P-SWE)  

Những bệnh nhân được chỉ định siêu âm đàn hồi mô:

  • Viêm gan mạn do virus
  • Bệnh gan nhiễm mỡ
  • Xơ gan
  • Bệnh viêm gan do rượu, do thuốc
  • Các bệnh viêm gan khác.

KẾT LUẬN: Siêu âm đàn hồi Realtme 2D SW là một bước phát triển vượt bậc về công nghệ, độ chính xác cao, vùng khảo sát rộng, thực hiện dễ dàng và nhanh chóng. SA đàn hồi mô gan định lượng: độ chính xác cao, không xâm lấn, không đau, cho kết quả nhanh chóng. Từ năm 2013 siêu âm đàn hồi mô đã được cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc Hoa Kỳ (FDA) thông qua như là một phương pháp thay thế sinh thiết gan.